Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Một bài khá hay về Trịnh và thân phận

Trịnh Công Sơn - Chim Họa Mi Và Nàng Thơ

 Trần Nhựt Tân

Trên khắp nẻo lãng du cho một cuộc tình, cho cuộc đời, thân phận, quê nhà, hay cả một-cõi-đi-về, có một người làm thơ mà không mang danh là thi sĩ: Trịnh Công Sơn, người chép sử tương lai trên lưng sóng nhạc, trên lưng thời gian, hay đó là gã du ca có trái-tim-làm-bến-hẹn, thật tự nhiên và cũng thật tình cờ, của họa mi với nàng thơ, và, là thiên-đàng-của-những-cuộc-tình-đã-mất: cái gì đã mất thì còn lại mãi mãi, “On ne possède éternellement que ce qu'on a perdu” (Ibsen). Biết bao phút giây yêu dấu ngậm ngùi, họa mi đã hót, đã hát, hát bằng hơi thở và cả hiện sinh của nàng thơ - tiếng hát vẳng từ cõi bất định đến vô hạn - tiếng hát sao rạt rào ước mơ đang trôi xuôi vào lòng vĩnh cửu, mà sao cũng mênh mông mênh mông một nỗi tàn phai: “Tôi như trẻ thơ ngồi bên hiên nhà chờ xem thế kỷ tàn phai [...] Tôi như là người ngồi trong đêm dài nhìn tôi đang quá ngậm ngùi”: cảm thức về nỗi tàn phai, in như, có thể là chủ đề chính yếu vừa là mẫu số chung cho hết mọi chủ đề khác trong suốt khoảng sáu trăm ca khúc. Cảm thức này ta nghe vang dội vào lòng mình từ NHạC hay từ nỗi bâng khuâng không nơi nương tựa trong LờI CA, hay từ sự kết hợp tự nhiên của nhạc và lời? Một trường hợp tương tự ta có Charles Trénet: “La poésie? Je ne l'ai jamais cherchée. Elle est venue à moi, de temps en temps comme elle va à tous ceux qui savent regarder les choses. Parfois une phrase musicale nait en même temps que les rimes. Ce hasard n'est pas extraordinaire”. Thơ làm cho nhạc thêm màu ray rứt, và nhạc lại tạo cho lời thêm nhiều mộng mơ. Ca khúc của Trịnh Công Sơn quả là đám cưới của lời-thơ-và-ca-khúc “nhạc và thơ quyện chặt cho nhau đến độ khó phân biệt cái nào là chính cái nào là phụ.”

Bây giờ ta thử đi vào khu vườn lãng du kia xem người nhạc sĩ đã trồng cấy loại kì hoa dị thảo gì khiến tình chàng buồn tha thiết trong một thông điệp Nàng thơ gửi lại cho nhân gian khiến cho nhân gian cũng buồn tha thiết, như trang phúc âm buồn gửi cho một-cõi-đi-về, và nhất là, một nỗi tàn phai vương vương đầy tiếng hát mà ta nghe cũng như chính lòng mình vương vướng một nỗi tàn phai. Hai chủ đề mà chúng ta muốn nghe tiếng du ca kể lại cũng chính là những ám ảnh lớn của một đời người giữa cuộc đời đầy những bất trắc đó sao? là những gì mà chàng đã từng gọi là những giấc mơ đời hư ảo?


I. Gã Du Ca Giữa Lòng Biện Chứng Của Tình Yêu

Có ai nghe tiếng hát giữa trời khuya: “Tình ngỡ đã phôi pha nhưng tình vẫn còn đầy” “Trời buông gió và mây về lưng đèo. Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều. Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền (Dấu chân địa đàng). Môi nào hãy còn thơm cho ta phơi cuộc tình [...] Không còn không còn ai. Ta trôi trong cuộc đời (Ru ta ngậm ngùi). “Con sông là quán trọ và trăng tên lãng du” (Biết đâu nguồn cội). Ai hát giữa trời khuya? Trầm mình trong một cảm thức về nỗi tàn phai, gã du ca hát lớn giữa trời khuya. Chàng tự gọi tên mình - vì không còn không còn ai, Ta trôi trong cuộc đời -, tự ru lấy tim mình, trong một cõi tình xa, tình nhớ, khi tình đã vội quên - không chờ không chờ ai - từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ “Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa” (Tình Xa). Gã du ca chỉ muốn, cũng như bao thi sĩ lãng mạn, trốn chạy chốn đang ở, đang cư ngụ, đang sống, những mong chờ một chốn nào khác, một nơi yên tĩnh trên mây, ngoài địa cầu, phía bên kia hành tinh, như một gã trăng-tên-lãng-du. Chàng muốn làm một trăng kia (chứ làm gì có trong vũ trụ này một trăng tên lãng du!). Hẳn , chỉ có một người chĩu nặng tâm thức lưu đày mới ước mong một quê nhà để trốn chạy cái hiện tại vô nghĩa buồn nôn không chịu nổi, như chính “Người đàn bà ngoại tình” trong LõExil et le Royaume của Ạ Camus. Tâm thức lãng mạn với cảm thức lưu đầy chắp đôi cánh thơ mộng, cho chàng du ca bay vào cõi mênh mông của nhớ thương của vời vợi tình buồn “Khi bước chân ta về đêm khuya nhìn đường phố thành phố hoang vu như một lần qua cuộc tình. Làm sao em biết đời sống buồn tênh.” (Tình xa) Nơi này đã là nơi không còn không còn ai; chàng du ca muốn ẩn thân vào một chốn-xa-xăm-nào-đó-cũng-không-còn-ai-không-còn-ai để, nơi ấy, tháng ngày, chàng gậm nhấm nỗi tịch liêu tâm hồn cho vừa cơn yêu dấu, để ta ru ta ngậm ngùi “Con chim đứng lặng câm, khi về trong mùa đông. Tay rong rêu muộn màng. Thôi chờ những rạng đông. Xin chờ những rạng đông” (Ru ta ngậm ngùi). Vào cuối thế kỷ trước, một thi sĩ Pháp đã từng gọi trần gian này là một bệnh viện mà mỗi kẻ trần gian là một bệnh nhân chỉ muốn trốn chạy này: “Cette vie est un hôpital où chaque malade est possédé du désir de changer le lit” (Baudelaire, Invitation au voyage).

Từ khước nơi này và hôm nay là cảm thức lãng mạn từ đó mà nàng thơ đã xây nên bao lâu đài thi ca tuyệt mỹ. “Il est un pays superbe [...] que je rêve de visiter avec une vieille amie [...] Un vrai pays [...] où tout est beau, riche, tranquille, honnête; où le luxe a plaisir à se mirer dans lõordre; où la vie est grasse et douce à respirer [...] Oui, cõest là quõil faut aller respirer, rêver, allonger les heures par lõinfini des sensations”. (Invitation au voyage, Petits pòemes en prose). Trong thơ tiền chiến, tâm thức ấy được gọi dậy hơn một lần. “Hỡi thượng đế!Tôi cúi đầu trả lại. Linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang. Sầu đã chín xin người thôi hãy hái! Nhận tôi đi dầu địa ngục thiên đàng” (Huy Cận, Trình bày). “Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh. Một vì sao trơ trọi cuối trời xa. Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh. Những ưu phiền đau khổ với buồn lo.” (Chế Lan Viên, Những sợi tơ lòng). “Tha phương réo gọi mong chờ. Con tàu luân lạc đêm mờ còn say.” (V.H. Chương, Con tàu say). “Nhổ neo rồi thuyền ơi xin mặc sóng! Xô về đông hay lạc tới phương đoài. Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng. Lòng cô đơn, cay đắng họa dần vơi. Lũ chúng ta, lạc loài, năm bảy đứa. Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh. Bể vô tận sá gì phương hướng nữa, Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy lênh đênh. Lũ chúng ta, đầu thai nhầm thế kỷ. Một đôi người u uất nỗi chơ vơ; Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị; Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ. (V.H.C, Phương xa).

Lãng mạn như những tâm hồn ấy, gã du ca đã từng hôn lên nỗi đau lưu vong để hát vọng lên non tiếng khóc thầm mà tình yêu là men say là chất đời vĩnh cửu. “Một hôm buồn ra ngắm dòng sông. Một hôm buồn lên núi nằm xuống... Tôi như trẻ nhỏ tìm nơi nương tựa mà sau vẫn cứ lạc loài. Tôi nghe sa mạc nối dài. Đừng nghe tôi nói lời tăm tối. Đừng tin tôi nhé vì tiếng cười (...). Tôi như người ngồi trong đêm dài nhìn tôi đang quá ngậm ngùi” (Tự tình khúc). Có một điều thầm kín nhất và cuối cùng mà chàng muốn nói với người yêu, với một ai đó, nhưng không còn không còn ai, chung quanh chàng chỉ có sa mạc nối dài. Chỉ có tình yêu là men say là chất đời vĩnh cửu và tình yêu cũng ra đi bây giờ không còn không còn ai... Hồn muốn trốn chạy, chân vướng địa cầu, giấc mộng phiêu lưu chìm vào ưu uất để một hôm vang lên thành tiếng họa mi “Anh đi về đâu? Về cõi chiêm bao. Lìa những cơn đau. Hồn tuyết bao la” (Có một ngày như thế). Có dòng sông nào để chàng ra ngắm? Không. Đó là một dòng đời nào khác với dòng đời hiện tại, đó là một dòng đời nào chàng những thầm mơ ước để đánh đổi cuộc đời này, để nơi ấy chàng có thể nói với ai đó một lời thầm kín nhất và cũng là lời cuối cùng của một đời người - Khúc tự tình - nhưng chung quanh chỉ có một sa mạc nối dài, và, không còn không còn ai. Chàng vội úp mặt xuống địa cầu để gửi những giọt lệ câm vào lòng núi để không còn ai biết lý lịch đời chàng, không còn ai không còn ai vì đời chàng quá ngậm ngùi vì “Tôi như nụ hồng nhiều khi ưu phiền chờ tôi rả cánh một lần” (Tự tình khúc). Bằng một khát khao sống, chàng du ca chỉ những muốn mở phơi nỗi lòng cho tình yêu, một dáng xuân nồng, cỏ hoa, cây lá mọi người và cả cuộc đời. “Tôi như là người lạc loài trong đô thị một hôm đi, về biển khơi (...) (Tự tình khúc). Sống giữa đô thị mà vẫn lạc loài giữa đô thị: chàng du ca cô độc chạy trốn đô thị để về biển khơi. Biển khơi là một phạm trù không gian mơ ước nhằm hóa giải cho hiện tượng lạc loài giữa đô thị, nơi đó có mặt trời, hoàng hôn, biển, màu tóc nhân ngư, đường chân trời quằn quại cùng sợi buồn kết dệt trong hồn chàng, và đêm đêm về, để chàng thấy rõ hơn hồn chàng là một ngọn đèn vơi cạn lửa thắp sáng lên một niềm riêng. Lòng chàng muốn là biển kia, nơi đó ý thức đam mê vượt thoát được nỗi lạc loài, và cảm thức lạc loài sẽ bật lên thành những tiếng nấc trong cổ họng chim họa mi “Tôi đi tìm ngày tìm đêm lâu dài một hôm thấy được đời tôi (...) Đừng tin tôi nhé vì tiếng cười”(Tự tình khúc) Làm sao cứu chuộc được cuộc đời lạc loài này! Làm sao vượt thoát được chiếc lưới cô độc bủa vây! Một thành trì không tường ngăn song chắn mà sao kín bưng giam lỏng một ngọn đèn vơi cạn lửa từng đêm từng đêm!

Thôi cũng đành. Đành sống với đời này vậy. Gã du ca đành phải trốn chạy lạc loài bằng cách lao mình vào cõi lạc loài. “Hãy cứ vui chơi cuộc đời. Đừng cuồng điên mơ trăm năm sau, còn đây em ngọt ngào, đứng bên ngày yêu dấu. Nhìn mây trôi đang tìm về núi cao.” (Hãy cứ vui như mọi ngày). Chàng tìm vui trong tình buồn, tình nhớ, tình xa và tình ngọt ngào đã chết. Bởi giữa chốn lạc loài này còn gì nữa đâu nếu không là hát khúc tình ca bình yên. “Rồi từ nay em gọi tình yêu dấu chiêm bao, gọi thân hao gầy, gọi buồn ngất ngay. Ôi tóc em dài đêm thần thoại vùng tương lai chợt xa xôi”. (Gọi tên bốn mùa). “Thôi ngủ đi em, mưa ru em ngủ, tay em kết nụ nuôi trọn một đời, nuôi một đời người.” (Ru em từng ngón xuân nồng).

Lãng mạn như những thi sĩ lãng mạn, nhưng tình yêu trong cõi Trịnh Công Sơn không lãng mạn theo kiểu giục giã ái ân, tình kÿ nữ vội vàng nhòa nhạt gối chăn, cũng không than van cầu khẩn, dan díu thiết tha rồi sầu xa giẫy dụa, mà tình yêu hóa thân từ những người tình theo một biện chứng đến chỗ vô thường.





Từ cụ thể đến trừu tượng, từ trừu tượng đến nên thơ siêu hình: đó là hành trình biện chứng của tình yêu xuyên suốt sáu trăm bài ca khúc của gã du ca vì gã là trăng và, trăng tên lãng du. “Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em (...) Ngoài phố mùa đông đôi môi em là đốm lửa hồng (...) Ru đời đi nhé ôi môi ngon này giữa trần gian” (Ru đời đi nhé). Chàng du ca không bao giờ muốn giữ lại một cơn yêu dấu: tình yêu chợt đến như bóng mây thì chàng ca ngợi rồi trả nó về cho bóng mây. Tình yêu đối với chàng không phải là tổng thể yếu tố thế gian kết cấu trong một pho tượng sống mà là chất đời và từ đó chất đời thăng hoa thành chất thơ và chất nhạc để lòng chàng phổ vào nỗi tàn phai. Những người tình không còn nữa. Những Diễm xưa, những Quỳnh hương, những người tình bỏ ta ra đi.. thảy đều không còn nữa: chỉ còn lại những cuộc tình. “Không có em còn ai với ai (...) Em đã như ngọn gió quạnh hiu. Không có em đường cũ tiêu điều. Em đã xa lìa trong nổi đau. Em đi biền biệt muôn trùng quá (...) Từng nổi nhớ trùng trùng nỗi nhớ” (Còn ai với ai). Người tình đã biền biệt: chỉ còn lại cuộc tình quạnh hiu, như một ngọn gió quạnh hiu. Chàng không còn biết người tình là ai mà chỉ có một điều chàng không thể không biết được: còn lại một cuộc tình và những cuộc tình. Từ đó lòng chàng mở phơi cho niềm rung cảm dệt xanh chất đời để hương đời tỏa ngát như một nỗi tàn phai nhè nhẹ. Chàng chỉ còn biết hát lời tình buồn mà không ngần ngại, chỉ còn biết thả hồn lang thang về thành phố cũ, giữa đô thị lạc loài, giữa mênh mông mênh mông phôi phai, Và, bây giờ còn lại là có sợi tóc nào xanh, có sợi tóc nào bay, có còn môi nào thơm có còn môi nào yên cho chàng hát rêu rao đời mình, cho chàng mượn làm thuyền buồm mà rong chơi trên đường phố quạnh hiu, trên biển khơi lặng yên, trên núi cao xanh xao. “Một buổi chiều kia có người tình trẻ đi lang thang quanh ngôi thành cổ. Từ bờ môi hát lên nhè nhẹ. Từ lời ca rớt thành cơn mưa (Níu tay nghìn trùng).

Cuộc tình, những cuộc tình là chất sống; men đời còn lại từ những người tình đã ra đi, và trở thành dưỡng chất trần gian (đã một lần thăng hoa) nuôi nàng thơ và họa mi trong cõi ca khúc của chàng-lãng-tử-là-trăng. Người tình đã ra đi: bây giờ còn lại là cơn mưa, mây, con đường hiu quạnh, ngôi thành cổ, như cánh vạc bay, tóc-em-dài-đêm-thần-thoại, nắng nghiêng cao... “Khi bước chân ta về đêm khuya nhìn đường phố. Thành phố hoang vu như một lần qua cuộc tình. Làm sao em biết đời sống buồn tênh. Đôi khi ta lắng nghe ta nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá. Hồn ta gió cát phù du bay về. Đôi khi trên mái tình ta nghe những giọt mưa. Tình réo tình âm thầm sầu réo sầu bên bờ vực sâu (Tình xa). Muốn cho hồn chàng trở thành cõi hoang vu phì nhiêu để từ đó dấy lên lời thơ tiếng nhạc vang dội vào hàng triệu trái tim người thì hồn chàng phải bốn bề bỏ ngỏ cho người-tình-xa-cách-trong-không-gian, để chàng-được-gần-mãi-với-tình-trong-thời-gian mà hoang vu là bến hẹn mà bản chất là nỗi tàn phai. Chim họa mi bèn hát lên bên bờ quạnh hiu, trên đường phố chỉ có sa mạc nối dài, dưới thung lũng mưa mưa hồng, bên dòng sông nắng đang chờ, đang chờ ai, trên đường về chỉ có bóng chàng đổ dài hiu hắt chung quanh chàng không còn không còn ai và lòng chàng là cõi tình réo tính âm thần, sầu réo sầu trên bờ vực sâu. Chỉ có một mình chàng-là-trăng-là-lãng-du lắng nghe hồn mình nói với hồn mình, là mưa rơi từng giọt âm thầm bên vách tim chàng. Chàng im lặng, úp mặt xuống nghe, để kể cho lòng đất nghe một khúc tình tự mà sao hoang vu hoang vu bay đầy và mênh mông mênh mông một cõi tàn phai... “Ru mãi ngàn năm giòng (sic) tóc em buồn (...) Ru mãi ngàn năm từng ngón xuân nồng (...) Còn lời ru mãi vang vọng một trời. Mùa xanh lá vội ru em miệt mài, còn lời ru mãi, còn lời ru này, ngàn năm ru hoài, ngàn đời ru ai” (Ru em từng ngón xuân nồng). Khi người tình chưa vội đi thì hồn chàng còn gắn chặt với bây giờ, hôm nay, còn kết chặt với hiện tại và ở đây, với một người, với một ai; nhưng khi người tình đã vội đi thì chàng cũng đã cởi trói ra khỏi một người, khỏi cái-hôm-qua-và-ở-đây để một hôm chàng phiêu lãng vào một không gian phi không gian, một thời gian phi hiện tại và một cuộc tình phi người tình: cõi hoang vu của thơ-và-nhạc. “Cúi xuống bên bờ xót xa, trên cơn lửa đỏ trên khuôn mặt đã im lìm. Cúi xuống nhìn sâu trong mắt và nghe mưa bão tan đi trong đại dương. Cúi xuống cúi xuống thật buồn (...) Cúi xuống cho tắt nụ cười cho chút da thịt người trong tan hoang vẫn còn bóng mát che ngang” (Cúi xuống thật gần). Chàng vội khép mi lại nhìn lòng mình rõ hơn! Chàng bèn gọi tên mình giữa mưa gió, nắng, bão, trên núi, ngoài biển, trên cánh đồng phù du, bên dòng suối cũng thật quạnh hiu. Chàng bèn ca nỗi buồn cho chính mình nghe và cũng để cho người tình đã vội ra đi nghe cùng trong một không gian xa cách mịt mùng. “Rồi từ nay em gọi tình yêu dấu chim bay, gọi thân hao gầy, gọi buồn ngất ngây. Ôi tóc em dài đêm thần thoại vùng tương lai chợt xa xôi” (Gọi tên bốn mùa) “Thôi ngủ đi em, mưa ru em ngủ, tay em kết nụ, nuôi trọn một đời, nuôi một đời người” (Ru em từng ngón xuân nồng). Gọi tên em bốn mùa trong cõi thiên thu cũng chính là chàng du ca kia tự gọi tên mình cho đỡ nhớ vì không còn không còn ai để gọi tên mình. Quả nhiên, chàng không gọi tên một người tình nào, không gọi một ai, mà chỉ gọi chính lòng mình qua hình ảnh các em-phi-em; các em đã vội đi cho nên có còn gì chăng cũng chỉ là một mái tóc thần thoại, đôi cánh vạc bay, một môi hồng một nghìn năm trước một môi hồng một nghìn năm sau, những cơn mưa phi không gian, những đêm tối phi thời gian. Các em đã vắng mặt như một hư vô thì hư vô này lại còn hiện hữu hơn sự có mặt của các em: những cuộc tình dần dần chuyển sang tình yêu man mác mông lung, bao la là tàn phai và mông lung là hiu quạnh. “Chìm dưới cơn mưa và chìm dưới đêm khuya. Trời đất bao la còn chìm đắm trong ta. Hạt cát ngu ngơ nằm chìm dưới chân đi. Bờ biển thiên thu nằm chìm dưới hư vô. Chìm dưới cơn mưa một nghìn năm trước mây qua mây qua môi em hồng nhạt. Chìm dưới cơn mưa một ngàn năm nữa mây qua mây qua môi em hồng vừa. Chìm dưới cơn mưa, một người nằm chết đêm qua. Chìm dưới đất kia một người sống thiên thu. Chìm dưới cơn mưa một dấu chân đi chìm dưới đất kia hạt cát bao la” (Chìm dưới cơn mưa). Hẳn chàng du ca không hề sẵn sàng xoay lưng với một người tình nào chợt mất mà “hình như” lúc nào chàng cũng sẵn sàng đợi chờ sự mất ấy bởi cái đẹp cái thơ mới thật sự bắt đầu bằng sự mất mát kia: những cuộc tình còn lại mang đến cho cõi-hoang-vu-là-lòng-chàng những tiếng hát dưới cơn mưa thật ngậm ngùi, những ngôn ngữ của nhạc-và-thơ trong một hạt cát bao la, bao la.

Những cuộc tình rồi cũng tàn phai úa rữa để mọc dậy, phục sinh những tình yêu của nhạc-và-thơ. Em đã ra đi, sầu ở lại. Em đã chết đi, anh vĩnh viễn nhớ. Tình em thu gồm trong một cá thể, bây giờ anh thấy em thần thoại nối hết mọi tha nhân. Hiện hữu mới thật bộc phát từ hư vô. Trong hiện hữu mọi hiện tượng đều bị giới hạn; trong hư vô mọi biên cương đều bị phá vỡ, tưởng tượng sẽ phong phú với hư vô hơn với hiện hữu. Nét môi em bây giờ là vần thơ anh viết trên trán một người chìm trong cõi hư vô. Mắt em bây giờ xanh thẳm và hút sâu như đôi ngôi sao cổ tích lúc nào cũng lấp lánh trong anh, trong cảnh hoang vu, cõi lạc loài, cõi sa mạc nối dài, em em ơi, làm sao em biết đời sống buồn tênh... Tình yêu đối với trăng-lãng-du là tình yêu đã ra đi và tình yêu đã ra đi trong suốt một hành trình biện chứng của hóa thân và thăng hoa. Từ cụ thể - người tình- tình yêu của em hóa thân thành trừu tượng - cuộc tình; Tình yêu trừu tượng này dần dần thăng hoa thành nhạc và thơ: “Hoa thanh quý nở bừng trong diễm sử” (Đinh Hùng). Tuyệt đối, Trịnh Công Sơn không bao giờ muốn giữ lại trong tay chàng một người tình nào cả; thật ra, chàng cũng chẳng ý thức cụ thể về điều đó. Hồn chàng là cõi hoang vu dệt bằng hai canh chỉ nhạc và thơ. Trong hai từ nhạc và thơ đã bao hàm vô định lẫn vô biên, hư vô lẫn hiện hữu, buồn vui không biên giới, hạnh phúc và nỗi niềm thân phận cũng chỉ là một. Mọi cuộc tình đều mang yếu tính thế gian, chỉ có tình-yêu-nhạc-và-thơ mới phi thế gian, phi đời. Sự hoang vu dày dặc trong hồn chàng là cả một hiện sinh đợi thời gian đến để khước từ, đợi không gian đến để gọi tên rồi lặng yên. Tình yêu là gì? Là màu xanh rừng sẽ giữ mãi, là hương đời sẽ gửi mãi cho gió, là buồn vui đang nằm chờ để hợp nhất. “Tấm lòng em như lá kia còn xanh. Rừng ơi hãy giữ cho bền nhé (...) Em đã đến nơi này tựa như cánh én. Dịu dàng trao chút hương hoa mùa xuân. Nhớ gì mà nắng vàng cánh rừng. Thương gì mà sương khuya vội buông. Chiều nay bên trời xao xuyến, còn em trong từng nhớ thương.” (Vẫn có em bên đời). Tình yêu của chàng du ca không chỉ là hiển thể (étant) mà tất yếu phải biện chứng sanh hữu thể (être). Hiện thể thì tất yếu tàn phai tan tác như một vật chất thuần túy; và hữu thể thì cũng tất yếu và luôn luôn khai phóng để phong phú hơn và mãi mãi phong phú hơn như bất tử. Khi tình yêu thế gian bắt đầu ngả đổ tan tác thì cũng là lúc tình-yêu-hữu-thể bắt đầu thơ mộng. “Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt đã nương theo vào đời làm nỗi ưu phiền. Ngoài phố mùa đông đôi môi em là đốm lửa hồng (...) Ru đời đi nhé ôi môi ngon này giữa trần gian” (Ru đời đi nhé). Em như cơn gió quạnh hiu. Không có em đường cũ tiêu điều. Em đã xa lìa nỗi đau. Em đi biền biệt muôn trùng quá. Từng cơn gió và từng cơn gió. Em đi gió lạnh bến xa bờ. Từng nỗi nhớ trùng trùng nỗi nhớ.” (Còn ai với ai). Hình như nhạc sĩ du ca lúc nào cũng muốn nói rằng: này tình yêu, em ơi, không bao giờ em chết trên cung tay ta như một loài côn trùng ngủ sâu, mà chính ta sẽ chết theo năm tháng hạnh phúc đã thăng hoa từ mắt em, từ môi em, từ ngón xuân nồng, từng ngón chân xưa dội về phố cũ - Ôi tóc em dài đêm thần thoại - Không, không bao giờ em chết trên tay ta theo tháng năm trần lụy mà ta sẽ ru em. Ru mãi ngàn năm giòng tóc em buồn. Ru mãi ngàn năm từng phiến môi mềm. Còn lời ru mãi, vang vọng một trời. Mùa xanh lá vội, ru em miệt mài, còn lời ru mãi, còn lời ru này ngàn năm ru hoài, ngàn đời ru ai. Người du ca không còn ru những người tình nữa mà ru những cuộc tình đã thăng hoa thành tình-thơ-và-nhạc để rồi những tình này cũng sẽ thăng hoa thành một đóa. “Hoa thanh quý bừng trong diễm sử”. Ngàn đời ru ai. Ai. Không còn ai, là tất cả các em đã ra đi, là những cuộc tình cũng đã vội trôi; giờ đây, không còn một ai, tức là còn tất cả. Tất cả các em bây giờ là một: ai. Các cuộc tình đã thăng hoa để đạt đến chỗ đồng nhất một: một là ai; ai là tất cả, là em, là những em. “Ru em ngủ những đêm khuya, ru em ngủ tháng âm u ru em cùng những u mê ru em dù đã chia xa. Ru em vì những đêm xưa (...) Ru em từng giọt bùi đã qua (...) Cuối đời còn gì nữa đâu, đã tàn mộng mị khát khao” (Ru em). Những cuộc tình bây giờ chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm là thời-gian-hoài-mộng, mà cũng là thời-gian-phóng-hiện-vào-tương-lai trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Nhớ lại các em, những cuộc tình: người du tử bèn chép sử tương lai vì tương lai là quê hương của khát vọng, của mộng mị, là bến hẹn của tục lụy đầu thai làm thanh quý, để những tình yêu đầu thai làm tình-yêu-nhạc-và-thơ để tình-yêu-nhạc-và-thơ đầu thai làm đóa hoa vô thường.

Không, không bao giờ các em chết trong những quạnh quẽ của tháng năm, của bẽ bàng thân phận, của hững hờ định mệnh và, và, của bội bạc lẽ sống. Không. Các em sẽ ngủ mãi trong lời ru này, trong tiếng hót của họa mi, ngủ mãi trong lòng ta, trong hơi thở của nàng thơ. Chim họa mi và nàng thơ cùng ta sẽ ru các em mãi mãi trên lưng sóng nhạc, trong giấc ngủ thiên thu của đóa hoa vô thường . Đối với trăng-lãng-du, không có một tình yêu nào mất đi cả. Những cuộc tình đã vội qua là những thăng hoa của tình yêu vội thăng hoa theo cấp số nhân mà thời gian chỉ trôi giạt theo cấp số cộng, hỡi các em, xin đa tạ các em đã cho ta, giờ đây, sự bất tử của tình yêu. Xin đa tạ các em. Em đã cho tôi bầu trời là những mênh mông vô hạn. Em đã cho tôi yêu thêm loài người: tình yêu các em là dưỡng chất trần gian nuôi hồn tôi thêm cao quý: mở rộng cho tha nhân... Và, chiều nay em muôn đời nằm xuống là lúc tôi có em đời đời vì từ đây tôi xót xa chờ đợi, vì từ đây không còn có ai phụ người. (Em đã cho tôi bầu trời). Những cuộc tình đã vội quên là những hóa thân vội vã của những cuộc tình thành những Tình xa, Tình nhớ, Biển nhớ, Ru em từng ngón xuân hồng, Ru ta ngậm ngùi, Ru em... Nỗi bận bịu lớn nhất đối với trăng-lãng-du không phải là “sợ tình yêu sẽ ra đi hay đã quên đã chết” mà chính là hăm hở chờ cho tình yêu đã ra đi (vô thức) để tình-thật-sự-là-tình-trở-về-mãi-mãi bên chàng. “Tình ngỡ chết trong nhau, nhưng tình vẫn rộn ràng. Người ngỡ đã quên lâu nhưng người vẫn bâng khuâng” (Tình nhớ). “Cuộc tình nào đã ra khơi ta còn mãi nơi đây. Từng người tình bỏ ta đi như những giòng (sic) sông nhỏ. Ôi những giòng (sic) sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa (...) Đôi khi ta lắng nghe ta nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá. Hồn ta gió cát phù du bay về. Đôi khi trên mái cuộc tình ta nghe những giọt mưa, Tình réo tình ta âm thầm, sầu réo sầu bên bờ vực sâu” (Tình xa) “Tình yêu như trái phá con tim mù lòa. Một mai thức dậy chợt hồn như ngất ngây, chợt buồn như mắt nai, rồi tình vui trong mắt, rồi tình mềm trong tay (...) Tình như cơn bão đi qua địa cầu. Tình khắp cơn sầu, tình dìu qua hố sâu tình vời lên núi cao rồi trong cơn yếu dấu, tình đầy tình xa nhau. Cuộc tình lên cao vút như chim mõi cánh rồi, như chim xa lìa bầy như chim bỏ đường bay. Tình yêu như trái chín trên cây rụng rời. Một mai thức dậy chuyện trò với lá cây, rồi buồn như lá bay (...) Tình cho nhau môi ấm một lần là trăm năm” (Tình sầu). Tình yêu như trẻ thơ, như người ngu si, như tên mù lòa mới sống được với cõi thật của tình yêu, để rồi, khi tình thế gian gian dối, thì ta còn lại mãi chất đời và men yêu trong mưa, trong nắng trong bóng đêm, trên đường phố, trên chiếc lá, và, trên môi trên tóc ai ôi những đêm dài thần thoại. Kẻ có mãi những nét đẹp của tình yêu là kẻ đã không giữ lại trong tay một đôi môi nào, một mái tóc nào, một ánh mắt nào. Hạnh phúc chính thống trong tình yêu nào phải là cười cợt lả lơi với người tình, mà là chính mình gặm nhắm những miếng thời gian ghi dấu ánh mắt ấy môi sầu kia, một mình trên lưng thành phố cổ, trong bóng đêm heo hút, trong quạnh hiu. Hỡi các em, xin giã biệt, để ta trở về, trở về... để thở theo nhịp thở nàng thơ và ca tụng một đóa hoa thanh quý theo giọng họa mi. Chàng đang gặm nhắm những miếng tình khuất bóng bên bờ vực sâu tâm hồn để nghe hư vô réo gọi tình về hiện hữu trong những phát sóng mông mênh, mênh mông bên đời quanh hiu, bao la trong nỗi tàn phai, bao la... Tình yêu trở về từ cõi xa xăm - ôi áo xưa lồng lộng; người ngỡ quá xa xăm bỗng về quá thênh thang. Tình yêu thật là đời sống buồn tênh, tình yêu đẹp là những giọt mưa long lanh trong mắt em, làn hơi thở mỏng trên màu lá úa trong cõi hoang vu, là tình âm thầm réo gọi bên bờ vực sâu. Tình xa không phải là tình đã mất đi mà là tình mãi-mãi-chờ-ta-bên-bờ-quạnh-hiu. Tình sầu không phải là tình gục ngã đớn đau mà là tình cấy trong thời gian và không gian những bó hoa ngát hương bốn mùa ảo giác. Tình nhớ không phải là tình ủ dột quÿ lụy van xin ố (mà van xin tình yêu sao không là một hạnh phúc kia chứ) - mà là tình thế gian đã chết và chờ ngày phục sinh để vĩnh viễn đẹp như Môi (các em), Tóc (các em) và mãi mãi thành điệp khúc của nỗi tàn phai... “Có những nghìn năm xưa hóa thân em bây giờ Nên tôi vẫn nhìn thấy em, Giữa đám đông xa lạ Vì em như chim trắng giữa đồng trống bước ra (...) Vì em như Hoa lá Giữa thiên nhiên hiền hòa” (Em đến từ nghìn xưa). P. Eluard đã từng nói “Anh còn nghe giọng em ngân vang trong mỗi tiếng lòng tạo vật” (Jõentends vibrer ta voix dans tous les bruits du monde). Chàng du ca Việt Nam vẫn còn thấy em đi quanh từng giọt nước mắt, đi quanh từng ngọn nến tắt, còn nghe tiếng em gọi xa xôi nghìn trùng, run theo từng ngọn gió “Những con mắt bình minh tắt trên giòng (sic) sông. Những con mắt mùa đông tắt trong hoàng hôn. Ta thấy em bâng khuâng vì ngọn lá úa. Ta thấy em đêm đêm đòi lại tiếng nói. Ta thấy em lênh đênh trên giòng (sic) nước lũ. Ta thấy em đêm đêm đồi bại bóng tối. Ta thấy em vang trong một ngày bão tố”. (Ru đời đã mất).

Những người tình đã đến với chàng đều dạy cho chàng mỗi một điều duy nhất: Cái đẹp của tình yêu là chính cái còn lại của những tình yêu đã mất. Những gì còn lại của những cuộc tình là hơi thở của Nàng thơ, là tiếng hót của họa mi: bây giờ, bóng tối gợi dậy trong lòng chàng những ánh mắt âm u, huyền hoặc, mưa, những giọt nước mắt, bão, những đợt nước mắt chứa chan, gió, tóc các em bay bay, thần thoại, hoàng hôn, bình minh, ôi những đôi môi nồng nàn dường ấy, con đường, hôn những gót chân em, những hẹn hò, những chia tay, những nỗi nhớ; tất cả, và tất cả đã làm nên thế giới ca từ của Trịnh Công Sơn. Hơn thế nữa, những gì còn lại của những cuộc tình đều hóa thân để không còn một dấu vết gì cho thế gian. “Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh sấm bay rền vang. Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn. Tôi mời em về đêm gội mưa trong em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm. Trong vườn mưa tạnh tiếng nhạc hân hoan. Trăng vàng khai hội một đóa hoa quỳnh (...) Từ nay anh đã có nàng. Biết ơn núi đáp đền tiếng ca. Mùa xuân trên những mái nhà. Có con chim hót tên là ái ân (...) Từ đó ta nằm đau. Ôi núi cũng như đèo. Một chút vô thường theo. Từng phút cao giờ sâu. Từ đó hoa là em. Một sớm kia rất hồng nở hết trong hoàng hôn. Đợi gió vô thường lên. Từ đó em là sương. Rụng mát trong bình minh. Từ đó ta là đêm nở đóa hoa vô thường. Từ đó trong vườn khuya. Ôi áo xưa em là một chút mây phù du. Đã thoáng qua đời ta. Từ đó trong hồn ta. Ôi tiếng chuông não nề. Ngựa hí vang rừng xa. Vọng suốt đất trời kia. Từ đó ta ngồi mê. Để thấy trên đường xa. Một chuyến xe tựa như vừa đến nơi chia lìa (Đóa hoa vô thường).


IỊ NGƯờI DU Tử VớI CẢM THỨC TÀN PHAI


Nếu đóa hoa vô thường là sự kết tinh của cái đẹp và nỗi buồn còn lại từ những cuộc tình đã ra đi, từ những tình yêu thăng hoa, thì, thường xuyên, nỗi buồn và cái đẹp ấy lướt trôi, lướt trôi, qua bình diện ý thức của người du tử, để một lần nữa, có những lúc, hóa thân thành nỗi cô đơn giữa lòng hiu quạnh, hoang vu, khiến chàng chợt giật mình trong cơn buồn dày đặc và hút sâu. “Giật mình nhìn quanh phố xa lạ (...) Đường nào dìu tôi đến cơn say. Một lần nằm mơ thấy tôi qua đời. Lòng thật bình yên mà sao buồn thế. Giật mình nhìn tôi khóc bao giờ (Bên đời quạnh hiu). Cô đơn quả nhiên đã trở thành một nội lực thúc đẩy mọi sinh hoạt tâm lý khác trong đó nổi bật nhất là hiện tượng hãi hùng trước cuộc đời, xao xuyến trước nỗi niềm khiến chủ thể phải trốn chạy cuộc đời bằng vận tốc siêu-siêu-thanh, nhanh nhất là khước từ cuộc đời, toàn diện nhất là trốn chạy cuộc đời; và, có sự trốn chạy nào nhanh hơn mà không là giã từ nhân thế. Nơi mỗi con người đều có một ý lực muốn sống “Vouloir vivre” (Schopenhauer). Thế mà có kể chỉ những muốn khước từ cuộc sống. “Người là một con vật ham sống, kẻ cả những kẻ sắp chết” (Pascal). Trịnh Công Sơn nằm mơ thấy mình qua đời. Nếu giấc mơ là sự hóa giải những ẩn ức thì quả nhiên ca từ là bến hẹn của ẩn ức trên bình diện thực tại, và thực hữu. Ngày xưa, vào khoảng những năm sáu mươi, có một thi sĩ muốn dập tắt nỗi cô đơn đang dày xéo tâm hồn vì chàng rất cô độc, chàng đành phải buộc mình gọi tên mình cho đỡ nhớ; tiếng gọi ấy thất thanh vang vào vũ trụ khiến cho một loài sao phải vỡ tan từng mảnh, những mảnh vỡ ném vào chuông giáo đường như một ngôn ngữ khước từ thượng đế: không có thượng đế trong cuộc đời này vì nếu có thì tại sao ta phải cô độc và quá cô đơn; và, nếu có thì thượng đế cũng đã chết từ lâu chỉ còn ta, ta, cô độc giữa lòng cuộc đời này: “Ném mẫu thuốc lá xuống dòng sông. Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ, Thanh Tâm Tuyền. Buổi chiều. Sao vỡ vào chuông giáo đường” (Tôi không còn cô độc). Trịnh Công Sơn trốn chạy cô đơn bằng cách yên lặng hơn, nhìn ngắm lại nỗi cô đơn. “Lòng thật bình yên mà sao buồn thế. Giật mình nhìn tôi khóc bao giờ”. Giật mình là một thức tỉnh siêu hình: từ lúc ấy trăng-lãng-du thấy cuộc đời toàn là những cấu trúc của tàn phai. Nhìn người đi như mây vô danh. Thấy mình lạc loài giữa phố cũ. Chung quanh mình sa mạc sa mạc nối dài. Nghe tuổi buồn em mang đi trong hư vô. Nhìn đường phố hoang vu. Sầu réo sầu bên bờ vực sâu. Thành phố không hồn. Lòng ta là ngọn đèn hết lửa để thắp lên một tí niềm tin trong đêm tối. Quanh ta không còn không còn ai. Ngày đi đêm tới trăm tiếng mơ hồ. Ngày đi đêm tới trăm tiếng hư không. “Có còn sợi tóc nào bay. Trong trí nhớ nhỏ nhoi. Không còn không còn ai. Ta trôi trong cuộc đời. Không chờ không chờ ai. Em về hãy về đi. Ta phiêu du một đời. Hương trầm có còn đây. Ta thắp nốt chiều nay. Xin ngủ trong vòng môi. Ta ru ta ngậm ngùi. Đời sao im vắng” (...)

Người về soi bóng mình

Giữa tường trắng lặng câm (Ru ta ngậm ngùi)

Giật mình nhìn tôi khóc bao giờ. Tiếng khóc hòa lẫn bất ngờ làm nên nỗi tàn phai. Một hữu thể phiêu du soi bóng mình trên tường trắng lặng im. Phiêu du hòa lẫn với màu trắng và lặng yên làm nên cảm thức tàn phai. “Linh hồn rất mong manh. Tôi như con chim buồn. Thôi quên đi thiên đường. Tôi như con chim buồn thiếu hạnh phúc trần gian. Có những mùa đông Ngồi khóc rất âm thầm (hu, hu)” (Như con chim buồn). Trong hiện tại, tàn phai là một hiện tượng tan tác, tàn tạ, phôi phai, nhạt nhòa, mờ xa, hiu quạnh, hoang vu, lặng yên, trong quá khứ là xa xôi, không-còn-nữa, luyến lưu từ cái đã mất, và, trong tương lai sắp trở thành hư vô. Và, trong yên lặng, sao nỗi tàn phai ầm vang đến thế! Quạnh hiu. Ngậm ngùi. Cảm thức về nỗi tàn phai không phải là một hiện tượng tâm lý ở đó chủ thể dửng dưng ngắm nhìn sự tàn phai lướt trôi qua bình diện ý thức mà là hiện tượng bộc phát hiện sinh của vô thức nhằm trốn chạy tàn phai bằng cách bắt tàn phai dừng lại, bảo hiện hữu đừng tan tác, cột trói đôi cánh thời gian đang là suối nguồn của tan tác và phôi pha, phá vỡ quá khứ để chụp bắt lại những xa xôi, nuối tiếc, ngậm ngùi. Nếu đã từng nói “Có còn sợi tóc nào bay. Trong trí nhớ nhỏ nhoi (...) Hương trầm có còn đây. Ta thắp nốt chiều nay” thì không những chỉ muốn, một lần nữa “Ta ru ta ngậm ngùi, cho một cuộc tình đã ra đi bây giờ những gì còn lại là nỗi tàn phai đang trãi rộng trong tâm hồn...” mà còn muốn thét rằng: cuộc tình nào đã ra đi sao ta còn mải mê chi, trời hãy lộng gió lên trong tóc em, để ta lùa bàn tay nhiệt đới vào cho tóc em thêm thần thoại cho tóc em thơm nồng hơn trong quá khứ và cho ta say sưa với tất cả những nồng nàn còn giữ mãi trong tóc em, xin đa tạ, và đâu rồi, đâu rồi một làn môi êm, hỡi em, ta muốn thời gian đứng lại cho tình yêu không tàn tạ, cho tóc em thơm mãi trong tình ta, cho tàn phai không đến, cho hiện hữu thêm rào rạt phấn hương yêu chiều nay và chiều nay ta thắp lên một ngọn nến nhỏ mà soi rõ được cả một quá khứ trong đó, ôi đôi môi em là bến hẹn của hồn du mục khát khao về miền viễn xứ... Cũng như một Baudelaire đã từng thèm khát ngụp lặn trong một làn tóc như kẻ khát nước bên dòng suối ngọt và gặm nhai những sợi tóc bềnh bồng mà cứ ngỡ rằng mình đang ăn ngồm ngoàm bao kỷ niệm “Laisse-moi respirer longtemps longtemps lõodeur de tes cheveux, y plonger tout mon visage, comme un homme altéré dans lõeau dõune source, et les agiter avec ma main comme une mouchoir adorant pour secouer les souvenirs dans lõair. Mon âme voyage sur le parfum comme lõâme des autres hommes sur la musique (...) Quand je mordille tes cheveux élastiques et rebelles, il me semble que je mange des souvenirs” (Un hemisphère dans une chevelure).

Tàn phai là, gọi theo thời gian, khoảnh khắc cuối, và gọi theo không gian, là trên một biên cương, những gì sắp chuyển thành hư vô mà bản thể là một nỗi buồn sâu lắng hoang vu đồng lõa với một nỗi cô đơn nào ngậm ngùi nhất, thỏa hiệp với một nỗi buồn nào quạnh hiu nhất và là suối nguồn của một khát khao nào bỏng cháy nhất và là ngôn ngữ chính thống của một tâm thức nổi loạn nào bất lực nhất và là tên gọi chính danh nhất của bất cứ thực tại nào. Và có hiện hữu nào thực hữu và vĩnh hằng hơn mà không bột phát từ hư vô! Đó là chủ đề của phim La Strada của (Pellini), của một vở kịch nổi tiếng bật nhất của Ionesco: Les chaises. Cho nên, tàn phai, bến hẹn của hiện hữu với hư vô, là thiên thai của nỗi buồn vời vợi rung bật lên bao âm vang trong nỗi lòng nhạc sĩ, bao tiếng khóc âm thầm, bao ngôn ngữ tha thiết, vừa tha thiết vừa ngậm ngùi, quạnh hiu, vừa rộn rã vừa quạnh hiu. Nhưng có là gì đi nữa, dù sao đi nữa thì cứ mặc cho nó tình cờ mà lướt qua bình diện ý thức, rồi mặc nó; đằng này chủ thể tư duy phải giáp mặt với chính nó từ một ý thức đã được phản tỉnh bao lần thì quả thật nói sao cho vừa, kể sao cho xiết tính hung hãn, bạo chúa, dã thú của nỗi tàn phai! “Tôi như trẻ thơ ngồi bên hiên nhà chờ xem thế kỷ tàn phai. Tôi như người lạc trong đô thị một hôm đi về biển khơi. Tôi như người trong đêm dài nhìn tôi đang quá ngậm ngùi” (Tự tình khúc). Tàn phai là xót xa thế ấy mà chàng ta phải chờ phải đợi. “Tôi chờ xem thế kỷ tàn phai” là một ngôn ngữ tràn đầy nước mắt, là những nước mắt tràn đầy tiếng khóc câm bặt, một lời tự tình tràn đầy uất ức và phẩn nộ. Hiện hữu là thế đó. Hiện hữu của những tâm hồn, của tư duy. Hiện hữu là nỗi niềm, là thân phận. Thân phận làm người là phải sống như một cô đơn lạc loài, hoang vu, một nỗi niềm quạnh hiu, ngậm ngùi. “Người nằm yên không kêu than chết trong căn phần. Một góc trời người vẫn ngồi một đời nhỏ nhen. Người còn đứng như tượng đá trong rừng cây già. Người còn đứng như trăm năm vết thương chưa mờ từng đêm về từng đêm về mang đời ngẩn ngơ. Còn bao lâu cho thân thôi lưu đầy chốn đây. Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người. Còn bao lâu tôi xa em xa anh xa tôi”. (Phúc âm buồn) Tự đặt cho mình bao câu hỏi chính là chủ thể tra hỏi đang ý thức về thân phận mình giữa lòng biển sâu vì để trả lời cho những tra hỏi ấy thì chàng nhạc sĩ lãng du cũng chỉ có thể trốn chạy chính những tra hỏi hay, hay, cũng chỉ có thể cúi đầu và lặng yên: một nỗi cô đơn (lũy thừa theo vận tốc cấp số nhân và thời gian thì u hoài theo cấp số cộng), bởi từ-khi-sinh-ra-đời-con-người-đã-bị-kết-án-làm-người! “Người còn đó nhưng bơ vơ mắt chong đêm dài. Người còn đó nhưng trong tim máu tuôn ra ngoài” (Phúc âm buồn). “Cúi xuống cho máu ngược dòng cho nước sông cạn nguồn cho cây khô trên cành trút lá bơ vơ (...) cho da thơm trên người nay cũng phôi pha. Cúi xuống nghe đời nhấp nhô nghe tim rạng vỡ nghe trong tuổi nhỏ khóc òa (...) Cúi xuống nhìn sâu trong mắt và nghe mưa bão tan đi trong đại dương (...) Cúi xuống cho tắt nụ cười, (Cúi xuống thật gần) “Hai mươi sầu dâng mắt biếc. Nghe tháng ngày chết trong thu vàng. Thương cho người rồi lạnh lùng riêng” (Nhìn những mùa thu đi).

Tàn phai đồng nghĩa với buông thả, xóa tan, rã rời, chầm chậm trôi, xa xôi biết bao chừng, hoài mơ trong im vắng, tịch liêu, chiều mờ vàng úa. Tàn phai là nhạt nhòa như nước mắt em một thuở nào, như nắng hồng hoang trong mắt em, như nỗi nhớ của tình xa còn chờ trên đôi môi mềm, ngọt, ngọt ngào, em ơi, em, và không còn nữa. Tàn phai là hờ hững ngủ trên vai em trong tim anh, là hơi thở cuối của một cuộc tình còn vương, còn vương (ở đâu em ơi?) trên đôi-môi-chiều cho nên bây giờ còn vương mãi nơi đây (ở đâu em ơi?) trên mái-tóc-chiều cho nên bây giờ nó thần thoại biết mấy, em ơi, tàn phai đã tàn phai, anh ngồi chờ thế kỷ tàn phai... Tàn phai là những phút giây vô tình của một bờ môi mỏng thoáng gối đầu lên một bờ tóc mong manh và tóc đã bay xa bây giờ mây còn lại , môi, quạnh hiu, ngậm ngùi khiến ta nhớ, nhớ em, trong gió, trên lá, trên mây, trong đêm, trong bóng tối, trong nắng, giữa khuya ta nhớ ố có lẽ vì ta còn yêu, tình yêu có thật, các em ơi, có thật không nơi ta, cho ta, không nơi em, cho em, ta nhớ ố cho nhạc-và-thơ ố ta nhớ biết bao chừng như lòng mãi hoang vu...” Ngày nào vừa đến. Đã xa muôn trùng. Ngày nào vừa đi lạnh lùng bước chân. Đôi khi thấy trong gió bay đi lời em nói. Đôi khi thấy trên lá cây ngày nào em đã xa tôi. Đôi khi nắng lên phố xưa làm tôi nhớ. Đôi khi có mưa giữa khuya hồn tôi vẫn vu vơ. Đôi khi nhớ trong tóc em mùi cây trái thơm tho. Đôi khi thấy trăm vết thương rồi như đá ngây ngô”. (Rồi như đá ngây ngô).

Nếu tình yêu đã biện chứng thăng hoa thành một đóa hoa vô thường khiến cho ngàn năm qua cũng chính là ngàn năm sau thì tàn phai là thừa số của hết thảy mọi cảm thức của người nhạc sĩ về cuộc đời mà tình yêu là độc đạo đưa chàng vào cõi u-mê mà tàn phai vừa là suối nguồn vừa là miền đất hứa của những cảm xúc ấy. Cho nên “Tự tình khúc”của Trịnh Công Sơn khiến ta liên tưởng đến một “Tự tình khúc” của Cao Bá Nhạ, một kẻ sĩ lỗi vận bị bắt giam ngục muốn đời hiểu cho mình một nỗi oan. Với Trịnh Công Sơn thì nỗi oan gì? “Đời tưởng ta vui lắm sao? - Không đâu, ta buồn lắm, đời ơi đời!” “Đời tưởng ta đẹp lắm sao? - Không dám đâu đời ơi đời!” “Đời tưởng ta hạnh phúc lắm ư? - Không dám đâu, đời ơi là đời!” Bởi, đối với mọi hồn cảm tế nhị thì tàn phai đã nằm chờ hạnh phúc khi hạnh phúc ra đời; hay, tàn phai với hạnh phúc nào cũng chỉ là một? Bởi tàn phai là những gì còn lại từ những ánh mắt giao thoa trong một không gian tự tình bây giờ đã xa xôi, xa xôi lắm rồi! Bởi tàn phai là hương gây màu nhớ từ sự va chạm mỏng thoáng của hai bờ môi của một thuở mà hai người tình đều u mê để thời gian ngự trị giữa lòng biến động của tình tự, và, bây giờ, cũng đã xa xôi, xa xôi rồi! “... ru em cùng những u mê, ru em dù đã chia xa. Ru em vì những đêm xưa (...) ru em quỳ gối vong nô. Ru em mệt lả cơn đau, ru em về giữa chiêm bao. Cuối đời còn gì nữa đâu, đã tàn mộng mị khát khao” (Ru em). Tàn phai là mộng mị, vu vơ, hững hờ, quạnh hiu, cô liêu, sa mạc. Và, tàn phai cũng là một loài hữu thể NHớ. “Đôi khi nắng qua mái hiên làm tôi nhớ. Đi khi nắng lên phố xưa làm tôi nhớ. Đôi khi bước qua phố xưa làm tôi nhớ. Đôi khi bước qua phố xưa hồn tôi bỗng vu vơ” (Rồi như đá ngây ngô). Tàn phai là một thứ chất đời làm cho tình yêu phôi pha, làm cho cái đẹp phai tàn; nhưng nếu không có tàn phai thì cũng chẳng có luôn một tình yêu để phôi pha, hay một tình yêu phôi phai, không có luôn một cái đẹp để tàn phai, hay một cái đẹp tàn phai. Tàn phai làm cho tóc thêm thần thoại trước khi thần thoại kịp tàn phai, làm cho môi em thêm mộng mị trước khi mộng mị kịp hư vô. “Bến bờ thiên thu nằm chìm dưới hư vô. Chìm dưới cơn mưa một ngàn năm trước mây qua mây qua môi em hồng nhạt. Chìm dưới cơn mưa một ngàn năm nữa mây qua mây qua môi em hồng vừa (...) Chìm dưới đất kia một người sống thiên thu. Chìm khuất trong ta một lời nói vu vơ. Chìm dưới sương thu là một đóa thơm tho. Chìm dưới cơn mưa một dấu chân đi. Chìm dưới đất kia hạt cát bao la” (Chìm dưới cơn mưa). Tàn phai là hiện tượng pha trộn ngoại giới lẫn nội giới: đúng hơn là một cảm thức tàn phai. Cảm thức này chính là sự lướt trôi của một ý thức qua bình diện thực tại nhằm chụp bắt những hoài niệm đã mờ phai, đã xa xôi, xa xôi lắm rồi. Còn gì nữa đâu, hay có còn chăng cũng chỉ là những-gì-không-còn-nữa-còn-vương-vương. “Nghe tháng ngày chết trong thu vàng. Thương cho người rồi lạnh lùng riêng. Đơn côi bàn tay quen lối đưa em về nắng vương nhè nhẹ (...) Tay trơn buồn ôm nuối tiếc. Nghe gió lạnh về đêm. Gió heo may đã về, chiều tím loang vỉa hè, và gió hôn tóc thề. Rồi mùa thu bay đi. Anh nghe hồn mình trên ấy. Anh ghi bằng nhiều thu vắng, đến thu này thì mộng nhạt phai” (Nhìn những mùa thu đi).

Ca từ của Trịnh Công Sơn là thế giới của tàn phai trong đó tình yêu là nhân vật chính của một bi kịch “Làm người”. Có một người sinh ra để làm gã phù thủy của tình yêu để rồi, cuối cùng, là kẻ hiu quạnh trong nỗi nhớ, ngậm ngùi giữa sa mạc nối dài và gục đầu lên nỗi tàn phai mà viết bản chúc thư gửi lại cho không gian và thời gian: “Tự tình khúc”. Nếu gã không là phù thủy thì tóc em làm sao thần thoại những đêm dài: “Ôi tóc em dài đêm thần thoại”. Cũng chính bằng tình yêu mộng mị, chàng đã ém xì bùa cho lũ chí chết hết hay phải chạy trốn khỏi mái tóc em để từ đó mỗi sợi tóc em là một nẻo cổ lý đưa tình gã lên miền thiên thai, và mái tóc em trở thành một vườn tóc mượt ngát hương bốn mùa ảo giác, và, là một trong những suối nguồn hoài niệm tạo nên chất tàn phai. “Tôi như trẻ nhỏ ngồi bên hiên nhà chờ xem thế kỷ tàn phai. Tôi như trẻ nhỏ tìm nơi nương tựa mà sao vẫn cứ lạc loài. Tôi như là người một hôm quay lại vì nghe sa mạc nối dài. Tôi như nụ cười nở trên môi phòng khi nhân loại biếng cười”. (Tự tình khúc). Trẻ thơ nào cũng mơ giấc ngủ thiên thần, lứa tuổi mộng mị, lòng cả tin, không gian đối, chỉ trực diện với thực tại. Chàng như “trẻ thơ ngồi bên hiên nhà đợi chờ thế kỷ tàn phai”. Không có nhà mà cội nguồn cũng chẳng biết, là trăng-lãng-du, gã du ca lãng tử, và đứa con lãng tử ấy, đã từ giã quê nhà từ độ ấy, chàng chỉ “ngồi bên hiên nhà”, ở trọ như một sương, một mây kia. Mây kia ở đậu từng không, nắng kia ở trọ bên trong mắt người. Sương kia ở đậu miền xa cơn gió ở trọ bao la đất trời. Chàng đang ngồi trọ bên hiên nhà vì thật sự không có nhà để ở. Muốn được ở trọ thì phải có một không gian để trọ; trọ là trọ trong một không gian và thời gian. Nhưng chính cái hiên nhà kia cũng đang ở trọ, tức là không gian đang ở trọ và thời gian cũng đang ở trọ. Không gian và thời gian là hai phạm trù cấu trúc cho mọi vật, con người hiện hữu, hay, ở trọ; nhưng bây giờ chính không gian và thời gian cũng ở trọ luôn. Trăm năm ở đậu ngàn năm đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn. Không gian (mây, sương, gió, nắng, mưa...) và thời gian (trăm năm, đêm tối...) mà cũng ở trọ thì tất cả chỉ còn là hư vô. Chính gã du ca đang ngồi bên hiên nhà là một hiện hữu như hư vô giữa một cõi hư vô. Hư vô là quán trọ (của không gian và thời gian và) của tất cả. Chàng đang đợi chờ. Đợi chờ bao hàm một hướng vọng vị lai (à venir). Nhưng cái chàng đợi chờ lại là dĩ vãng trong đó kết tinh cả một thế kỷ tàn phai vì tàn phai chỉ là tàn phai, đã-có-bây-giờ-không-còn-nữa hay đang biến dịch vào cõi không còn nữa. Vậy gã du ca đó là ai? Người đó đã vẽ tặng nhân gian một bức chân dung tự họa: một trăng-lãng-du ngây thơ cả tin vào đời (nhưng đời đã lừa dối!) đang ở trọ trong một chốn không bình yên tí nào và đợi chờ một ánh sáng đến nhưng đó chỉ là tàn phai kết tinh từ bao thế kỷ. Và đó chính là hiện hữu đích thực của chàng, mà cũng là điều mà chàng muốn đời phải hiểu trong một “Tự tình khúc”. Những gì vốn thường được ước mơ là vĩnh cửu thì cũng dẫy đầy những chốc lát và hư không: trọ: “Tim em người trọ là tôi. Mai kia về chốn xa xôi cũng đành”. Quả thật đời buồn quá, buồn quá, buồn quá đời ơi đời “Ngàn năm í a buồn như í a”. Buồn quá nghẹn ngào không nói nên lời! Bức chân dung tự họa này lại vừa là một tĩnh vật (và ngôn ngữ của im lặng nói nhiều hơn ngôn ngữ của những sự vật được gọi tên): một thân phận làm người mà không biết đâu nguồn cội (“Con sông là quán trọ và trăng tên lãng du. Tôi vui chơi giữa đời biết đâu nguồn cội”) không có hoài niệm, không có ngày mai, chỉ là một chiếc bóng trọ trong một cõi quạnh hiu, ngậm ngùi cho nên chàng đã khóc tự bao giờ “Đường thật lặng yên lòng không gì nhớ. Giật mình nhìn quanh ồ phố xa lạ. Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà lòng thật bình yên mà sao buồn thế. Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ”.

Tàn phai vừa là bản chất vừa là hiện tượng chi phối nguyên một đời người buồn: một Trịnh Công Sơn. Hơn thế, chính đời chàng kết dệt bằng chính hiện tượng lẫn bản chất ấy: đời chàng là cả nỗi tàn phai đang ở trọ giữa lòng tàn phai. Một hôm lên núi cao nằm xuống, úp mặt hôn lấy địa cầu một lần cuối, và bèn nói: xin đa tạ nỗi tàn phai...