Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Chơi họa mi để dưỡng trí.

Người Việt Nam gọi theo hình dáng vành quanh mi mắt chim nom như vẽ (họa) chim Nachtigall là HỌA MI. Họa mi có bộ lông vàng sẫm nâu, ăn côn trùng nhỏ, là loài chim định cư phổ biến ở vùng rừng sâu, núi cao như Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Móng Cái, Lạng Sơn… Con họa mi có tiếng hót oai phong đến mức độc chiếm cả một vùng thung lũng được coi là chim hay, được gọi là chim “độc thung”. Con chim nào trực giác rất linh (hiểu tính người, nói chuyện được với người) được gọi là “linh điểu”. Người viết bài này có mười hai năm mê say nuôi chim họa mi để di dưỡng tinh thần sau cú sốc tai biến mạch máu não, liệt nửa trái.



Chim họa mi giống tốt ở Việt Nam là giống họa mi Mường Khương. Mường Khương là huyện vùng cao phía đông bắc tỉnh Lào Cai. Họa mi vùng sơn thủy hữu tình (có núi, đồi, sông) này giọng hót cao, dạn người. Phiên chợ huyện Mường Khương là nơi chỉ có bán, mua hay trao đổi một loại hàng: chim họa mi đực hót và chim họa mi đực để thi đá nhau. Họa mi Mường Khương nổi tiếng bởi giọng hót tuyệt vời, chọi giỏi.

Họa mi hay có vóc dáng ngũ trường hay ngũ đoản: đầu dài, mình dài, chân cao, đuôi dài, mỏ dài hay tất cả đều ngắn tương xứng, hài hòa. Những con chim hót hay, căng, nhiều làn điệu, âm tiết khác lạ: giọng vừa sang, vừa đanh thép, khi hót dáng đứng hiên ngang, giọng hót to vang, âm thanh luyến láy réo rắt. Giọng hót ấy toát ra tính tự tin của con chim khôn.



Họa mi chỉ hót khi cảm nhận được đã làm chủ vùng trời vùng đất quanh nó, trong lòng có cảm hứng. Con chim họa mi khôn là con có khả năng bắt chước những giọng hót hay khác lạ của những chim khác. Ca sĩ nào hát có sức làm rung động long người, âm vực rộng khi luyến láy được người đời tặng cho hai chữ Họa mi.

Những trưa hè nắng nóng hay những lúc khoảng 2, 3 giờ sang mà trời oi bức, họa mi “đi chuyện” bằng , giọng trầm buồn. Chỉ ai lắng tai mới nghe thấy rõ họa mi “đi chuyện” như thì thầm thủ thỉ tâm sự: giọng nho nhỏ, đều đều, thỉnh thoảng chen vào một đoạn sôi nổi tạo nơi người nghe hình ảnh thông reo, thác đổ, mưa nguồn (mưa rào ở rừng nước như xối xả trút xuống làm ta không kịp vuốt mắt). Những lúc họa mi “đi chuyện” các nghệ nhân thường thức lắng nghe chim tâm sự có cảm giác như bạn bên cạnh mình đang rỉ rả tâm sự chuyện nhân tình thế thái. Nếu như trời sẽ thay đổi thời tiết nhiều thì khoảng 3 giờ sang có vài tiếng hót to vang của họa mi. Nếu 6, 7 giờ sang thấy họa mi hót nhiều, thì chẳng cần thức, chạy ra xem trời cũng biết ngày hôm nay sẽ chan hòa ánh nắng, sẽ là một ngày đẹp trời.
Sướng nhất, thú vị nhất khi nuôi con họa mi biết gọi chủ cho ăn, cứ như:” tôi đây này, ông bạn, có châu chấu non không!”. Biết ý họa mi, liền cho ăn châu chấu non. Nuốt xong, chim đứng hót cho nghe. Lúc bấy giờ mới thấy con chim khôn thật, mới thấy hết ân tình của chim. Chuyện này chỉ có khi người nuôi chim thực tình yêu thương con chim mình nuôi, khi chủ và chim hiểu tình nhau, lúc ấy thấm thía câu :”Cứu vật vật trả ơn, cứu người người trả oán”. Đúng là chim khôn “ khôn cả từ lông, khôn cả từ lồng, người gánh cũng khôn”. Vì vậy, muốn có chim khôn cũng phải tìm người bán biết chơi chim, có tinh thần thượng võ, không bắt chẹt người mua, tiền nào của nấy. Thấy người mua quá nghèo mà lại đam mê quá chừng thì giá theo túi tiền của người mua, có bao nhiêu thì đưa đây mà lấy chim, thậm chí cho nợ (nghề bán cây kiểng, non bộ cũng vậy). Gặp kẻ ỷ cậy có tiền, thì nói giá “trên trời dưới biển”. Ba nghề nói trên theo nguyên tắc : “quý vật chờ quý nhân”.



Họa mi được đánh giá cao ở Nhật Bản, ở đó tiếng hót của họa mi được coi như sự lặp lại nhạc hiệu Hokeykyo (kinh Diệu pháp liên hoa/ Saddharmapundarika). Họa mi được các nhà thơ coi là ca sĩ của tình yêu. Tiếng hót tình cảm và khêu gợi của chim họa mi có sức mạnh xâm chiếm tâm hồn. Sức mạnh ấy thấm dần theo thời gian trong tâm hồn tôi, chắp cánh cho tôi vượt qua được vết thương tinh thần, làm lành vết thương do bệnh tật, do thất vọng về sự tráo trở trong tình người, tình bạn.