Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Họa mi - Chàng ca sỹ của rừng xanh

Chỉ ở trong thiên nhiên ta mới thấy hết những nét đẹp kỳ lạ trong tiếng hót đó. Người mê hoạ mi nghe đắm đuối tiếng hót ấy rồi ngộ ra rằng hoạ mi có 4 kiểu hót chính: Tiếng hót vui vẻ, tiếng hót tự sự, tiếng hót thách đấu và tiếng hót giã từ. 

Tiếng hót vui vẻ thường được cất lên vào buổi sáng tinh mơ khi mặt trời vừa nhuộm tươi chỏm lá cây rừng. Tiếng hót vút lên không trung, lan toả trong thung lũng, đập vào vách đá dội lại nghe rộn ràng, tươi tắn. Con chim lựa chỗ cành cao, thoáng, có tầm nhìn rộng, ưỡn ngực về phía mặt trời mà hót. Tiếng hót tạo nên một chuỗi âm thanh liên tục, không ngưng nghỉ. Khi một con cất lên tiếng hót thì những con hoạ mi khác ở khu vực lân cận cũng cất cao giọng hoà tấu. Khúc nhạc vui này nhanh chóng lôi cuốn sự tham gia của các ca sỹ khác: khướu, chiền chiện, bách thanh, liếu điếu, bìm bịp,… Tiếng hót của khướu ấm và vang, tiếng chiền chiện xoáy tròn, ríu rít, tiếng bách thanh rộn rã thanh tao, tiếng liếu điếu râm ran, vui vẻ, tiếng bìm bịp rời rạc, trầm lắng như điểm nhịp... Tất cả tạo nên một bản hoà tấu tuyệt vời trong một buổi sáng tinh khôi, mát lạnh. Đã bao lần tôi được chìm đắm trong cái thiên nhiên kỳ vỹ đó. Ngồi dựa lưng vào một gốc cây, chân tay duỗi thẳng, mắt nhắm hờ để nghe như hứng lấy từng giọt âm thanh trong sáng đến vô cùng ấy. 

Tiếng hót tự sự thường nghe được vào buổi trưa khi mà anh chàng hoạ mi đã chén no châu chấu, khi mà cặp mắt của nó trĩu nặng trước giấc ngủ trưa. Tiếng hót nhẹ nhàng, kể lể, líu ríu như đang tự nói chuyện với mình. Ai nuôi hoạ mi trong nhà, đến trưa cũng thường nghe được tiếng hót ấy. Rõ ràng là kẻ tự phụ, tiếng hót như tự khen mình dũng cảm, mình no đủ, mình đa tài và cả đa tình nữa thì phải.

Tiếng hót thách đấu khác hẳn hai tiếng hót trên, nó đe doạ, khiêu khích đối thủ, nó mạnh mẽ và có lúc xen vào những tiếng rất chói tai mà người thạo mi gọi là tiếng “quát” để doạ đối phương. Ngay sau màn đấu khẩu giữa hai con hoạ mi trống là một cuộc chiến quyết liệt và dứt khoát phải có kẻ thắng người thua, đôi khi mất mạng. Tiếng hót thách đấu thường bắt đầu bằng những âm thanh nhỏ, dồn dập, con chim trầm mình xuống như đứng tấn, hai cánh trễ xuống rung rung, đầu ngửa ra, mỏ chĩa lên cao, hai chân choãi ra trong thế đứng vững chắc. Sau tiếng hót to dần, mạnh mẽ, con chim trở lại tư thế đứng thẳng nhưng chân vẫn hơi choãi ra và sẵn sàng cho một cuộc chiến đấu nảy lửa.

Cả ba tiếng hót trên đều gắn liền với hoạ mi suốt cả cuộc đời, riêng tiếng hót giã từ thì chỉ cất lên một lần duy nhất, trước khi từ giã cõi đời. Khi con chim cảm nhận được sức khoẻ của nó đã tàn tạ, cái chết đã kề bên, nó lên tiếng hót chào tất cả, chào con suối róc rách ngày đêm, chào thung lũng xanh mướt đã nuôi nấng nó, chào những người bạn và chào cả những đối thủ mà nó đã từng trải qua những cuộc chiến chí tử. Tiếng hót nhẹ, yếu ớt, buồn bã giống như “Thôi chào tất cả nhé, tôi đi đây, hãy bỏ quá cho tôi những gì không phải…”. Lạ kỳ thay, tất cả các con chim hoạ mi trong vùng (hay nuôi trong nhà trong các lồng khác nhau) khi nghe được tiếng hót ấy đều lên tiếng đáp lời! Tiếng đáp cũng nhẹ nhàng, thống thiết, khác hẳn với những gọng hót khác, giống như là “Thôi bác yên tâm mà đi, chúng tôi đều yêu quý bác…”.